Tuy ra đời không sớm so với các phương tiện giao thông vận tải khác nhưng Đường sắt mau chóng trở thành phương tiện chủ lực trong vận tảI và trong sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Vai trò quan trọng của vận tải đường sắt là khả năng kết nối giữa các phương tiện vận tải khác nhau để hình thành nên vận tải đa phương thức. Vận tải đường sắt là cầu nối giữa các vùng dân cư lãnh thổ, là phương tiện chuyên chở tốt nhất nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp, phục vụ giao lưu giữa các địa phương, phục vụ quốc phòng, vận chuyển ứng cứu các vùng bị lũ lụt, vận chuyển hành khách nội đô, đồng thời là phương tiện vận chuyển liên quốc gia thuận lợi, an toàn và hiệu quả.
Ngành đường sắt Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển đã có bề dày lịch sử 129 năm (18812010), gắn liền với những năm tháng thăng trầm của đất nước, gắn bó máu thịt với ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất của dân tộc, của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc bước vào thời kỳ hoà bình, xây dựng. Ngày 6/4/1955, Tổng cục Đường sắt được thành lập theo quyết định số 505/TTg của Chính phủ. Từ đó cho đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi hoàn toàn (30/4/1975), ngành Đường sắt luôn hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao: xây dựng, khai thác, bảo vệ và phát triển đường sắt, với những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Sau ngày miền Nam giải phóng, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cùng với công cuộc đổi mới của cả nước, ngày 14/5/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã có quyết định số 158/QĐ-TTg chuyển Tổng cục đường sắt thành Liên hiệp Đường sắt Việt nam, thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo cơ chế của liên hiệp xí nghiệp đặc thù, có tư cách pháp nhân, là doanh nghiệp Nhà nước hạch toán tổng hợp toàn ngành, riêng khối vận tải hạch toán tập trung. Tiếp đó, để phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh mới, ngày 4/3/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 34/QĐTTg, chuyển Liên hiệp Đường sắt Việt nam thành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo mô hình Tổng công ty Nhà nước (Tổng công ty 91). Hiện nay, theo Quyết định số 973/QĐ-TTg ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. 

Ngành, nghề kinh doanh chính gồm:

  • Kinh doanh vận tải đường sắt, vận tải đa phương thức trong nước và liên vận quốc tế;
  • Quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;
  • Kinh doanh hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt;
  • Điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia;
  • Đại lý và dịch vụ vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không,
  • Tư vấn, khảo sát, thiết kế, chế tạo, đóng mới và sửa chữa các phương tiện, thiết bị, phụ tùng chuyên ngành đường sắt và các sản phẩm cơ khí.

Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính gồm:

  • Sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống;
  • Kinh doanh du lịch, khách sạn, xuất nhập khẩu hàng hoá;
  • Tư vấn, khảo sát, thiết kế, xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, công nghiệp và dân dụng;
  • Dịch vụ viễn thông và tin học;
  • Kinh doanh xăng, dầu, mỡ bôi trơn của ngành đường sắt;
  • In ấn.
  • Ngành nghề kinh doanh khác:
  • Kinh doanh bất động sản;
  • Xuất khẩu lao động.

Cũng theo quyết định này, cơ cấu tổ chức của Tổng công ty ĐSVN gồm có:

  • Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát;
  • Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc;
  • Các đơn vị thành viên.

Các đơn vị thành viên thuộc 7 khối sản xuất, kinh doanh khác nhau như: Vận tải, cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ bản, công nghiệp, dịch vụ, quản lý dự án và trường học. Trong đó, hoạt động quan trọng nhất có thể nói là hoạt động vận tải, do 3 đơn vị chính phụ trách, đó là:

  • Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội
  • Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn
  • Trung tâm điều hành vận tải đường sắt.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, đến nay, một mạng lưới Đường sắt từ Bắc tới Nam với chiều dài 3.143km đã được hình thành, trong đó có 2632 km đường sắt chính tuyến, 403 km đường ga, 108 km đường nhánh. Phân bổ của mạng lưới đường sắt theo chiều dài đất nước và theo hình xương cá, gồm có 15 tuyến chính và nhánh đi qua 35 tỉnh thành (trong đó tuyến Bắc Nam có chiều dài khai thác lớn nhất) trải dài khắp đất nước từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông và có hàng chục tuyến đường sắt chuyên dùng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, Đường sắt Việt Nam cũng đang nỗ lực không ngừng trong việc triển khai các dự án xây dựng những tuyến đường sắt mới, hiện đại hơn. Trong tương lai không xa, những tuyến đường sắt trên cao, đường sắt cao tốc sẽ được xây dựng và đưa vào hoạt động.
Với truyền thống quý báu về đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, lại được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, của các bộ ngành và các địa phương, CBCNV ngành ĐS luôn phấn đấu đưa Ngành đường sắt thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, nhanh chóng hội nhập đường sắt trong khu vực và trên thế giới.


Đối tác liên kết

Bàn ghế phòng đào tạo

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn

x